Bản ghi nhớ duy nhất giữa hai nước Việt Nam và Đức là hợp tác lao động
Chào đón người đồng cấp từ Đức đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, chiều 23/1 tại Hà Nội, cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier đã diễn ra rất thành công. Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ lao động và xã hội liên bang Đức.
Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Việt Nam, đó là cuộc hội đàm hết sức đặc biệt khi nguyên thủ của hai nước chỉ định lãnh đạo hai Bộ lao động cùng phát biểu.
Bản ghi nhớ duy nhất giữa hai nước Việt Nam và Đức là hợp tác lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt nhấn mạnh việc lãnh đạo hai nước Việt - Đức chỉ ký một bản ghi nhớ duy nhất (MOU) trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức lần này. Đó là bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ lao động và xã hội liên bang của Đức trong lĩnh vực lao động - việc làm.
"Việc ký bản ghi nhớ cho thấy hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Đây là một sự kiện đặc biệt trong hợp tác của hai quốc gia", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đánh giá cao việc người đồng cấp Hubertus Heil đến thăm và trao đổi công việc tại Bộ LĐ-TB&XH ngay sau cuộc hội đàm của lãnh đạo hai nước.
Bộ trưởng Hubertus Heil thẳng thắn đề cập một số nội dung liên quan việc tuyển chọn lao động nước ngoài sang Đức làm việc. Ông đánh giá, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, nhiều tiềm năng trong khi Đức đang trải qua quá trình già hóa dân số.
"Đến năm 2025, những người sinh sau thế chiến thứ 2 ở Đức đều đến tuổi nghỉ hưu. Đến năm 2035, Đức sẽ có hơn 7 triệu lao động cần thay thế. Thiếu hụt lao động là vấn đề rất lớn đối với chúng tôi trong tương lai", Bộ trưởng Hubertus Heil trình bày.
Để giải quyết vấn đề thách thức, Đức đã tăng cường đào tạo lực lượng lao động trong nước. Tuy nhiên số lượng lao động trong nước không đáp ứng đủ trong bối cảnh già hóa dân số. Do đó, quốc gia này cần bổ sung số lượng lớn lao động nước ngoài.
Chính sách nhập cư mới của Đức sẽ thu hút lao động
Tiếp nhận thông tin, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Việt Nam lập tức đề nghị người đồng cấp nêu cụ thể số lượng lao động, ngành nghề nước Đức cần trong năm 2024 và các năm tới.
Cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Hubertus Heil khái quát, hiện Đức đang thiếu hụt lao động ở nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế (nhân lực điều dưỡng), công nghệ thông tin và một số ngành nghề khác.
"Tương lai, nước Đức sẽ thiếu lao động ở mọi ngành nghề", Bộ trưởng Hubertus Heil nói và đề xuất Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tạo điều kiện cho nhiều lao động Việt Nam sang Đức.
Đáp lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, trong chuyến thăm Rumani vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận đề xuất từ quốc gia này, đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để tăng số lượng lao động sang Rumani làm việc.
Bộ trưởng cho biết, hiện có nhiều quốc gia "đặt hàng" Việt Nam về cung cấp nguồn nhân lực. Đối với thị trường Đức, Bộ trưởng Dung đánh giá, lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu từ quốc gia này. Tuy nhiên, ngôn ngữ hiện là rào cản lớn khiến số lượng lao động Việt Nam sang Đức còn hạn chế.
"Hiện nhiều lao động Việt Nam muốn sang Đức làm việc nhưng không đi được vì điều kiện tuyển dụng phía Đức đặt ra rất khắt khe, đặc biệt là yêu cầu cao về ngôn ngữ. Đây là rào cản lớn đối với lao động nước ngoài nói chung, trong đó có lao động Việt Nam", Bộ trưởng khuyến nghị Đức hạ tiêu chí tuyển chọn lao động.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng gợi mở, ngoài việc trao đổi bằng hình thức trực tuyến, hai Bộ có thể tổ chức diễn đàn lao động quốc gia tại Đức. Khi đó, ông sẽ đưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Đức, cùng tham gia tháo gỡ những rào cản, khó khăn mà Đức đang gặp phải.
Tán thành ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Hubertus Heil nhìn nhận, tiếng Đức là ngôn ngữ rất khó. Đây cũng chính là rào cản lớn khiến Đức khó cạnh tranh, thu hút lao động với các thị trường khác sử dụng tiếng Anh, tiếng Nhật,…
Do đó, nhằm thu hút lao động có tay nghề từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU), năm 2023, Quốc hội Đức đã thông qua chính sách nhập cư mới, sửa đổi các rào cản về mặt hành chính. Bộ trưởng Hubertus Heil đánh giá, những thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm, thu hút nhiều lao động nước ngoài.
Ông cũng tán thành đề xuất tổ chức diễn đàn lao động quốc gia do hai Bộ trưởng Lao động chủ trì để hai bên cùng nhau trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý, phụ trách của hai Bộ.
Nguồn: Báo Dân trí