Kinh tế Đức có dấu hiệu suy thoái, liệu có đáng lo?
Từ nhiều năm nay, Đức luôn được xem là đầu tàu kinh tế của châu Âu và đã nhiều lần vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục, thậm chí "gánh team", làm bệ đỡ cho một số nền kinh tế yếu ớt của liên minh châu Âu trong những giai đoạn suy thoái.
Mục lục bài viết
Nguyên nhân chính của đợt suy thoái này là đại dịch COVID-19, Đức đã phải đóng cửa nền kinh tế của mình trong một khoảng thời gian để chống dịch.
Sau dịch, khi nền kinh tế đang trên đà hồi phục thì cuộc chiến tại Ukraine đã làm cho Đức và cả châu Âu chới với về vấn đề năng lượng, và đây chính là đòn chí mạng đẩy Đức rơi vào tình trạng suy thoái hiện nay.
Hứng chịu các đòn trừng phạt qua lại giữa Liên minh châu Âu và Nga, rồi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu (khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt tại EU là do Nga cung cấp) đã đẩy giá khí đốt tăng phi mã. Mà động lực chủ chốt cho guồng máy kinh tế Đức chính là nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga.
Chi phí sản xuất tăng đẩy theo sự tăng giá của hầu hết các mặt hàng, lạm phát cao (7,4%), thêm vào đó là tâm lý bất ổn do chiến tranh tại Ukraine đã làm cho sức mua giảm, trong khi đó việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tiếp điều chỉnh tăng lãi suất cũng góp phần kìm hãm hoạt động của nền kinh tế Đức.
Ngành công nghiệp chính là thế mạnh của kinh tế Đức cũng đã giảm 3,4%, các đơn hàng công nghiệp giảm kỷ lục 10,7%, đồng thời xuất khẩu cũng giảm mạnh 5,2%.
Một minh chứng cụ thể cho sự suy thoái của ngành công nghiệp Đức chính là lĩnh vực ô tô. Ngoại trừ những thương hiệu danh tiếng toàn cầu như Porsche và BMW vẫn đứng đầu về xe chạy nhiên liệu đốt, thì ô tô điện của Đức hiện nay đang vật lộn với nhiều khó khăn.
Quý 1-2023, BYD Co (Trung Quốc) đã vượt qua Volkswagen trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Trung Quốc, thế mạnh từ các dòng xe điện mới là giá chỉ khoảng 1/3 so với Volkswagen nhưng có quãng đường chạy dài hơn và khả năng kết nối với ứng dụng của bên thứ ba.
Còn nhớ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu vào năm 2008 - 2009 đã xảy ra vô cùng tồi tệ: 10.000 tỉ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo.
Và nước Đức cũng không sao thoát khỏi cái vòng xoáy đó. Khi Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) tuyên bố phá sản kéo theo sự khủng hoảng tài chính, hàng triệu người Đức lo lắng muốn rút tiền tiết kiệm thì bà thủ tướng Merkel lúc đó tuyên bố (ngày 5-10-2008): "Tiền tiết kiệm của bạn sẽ luôn an toàn, chính phủ liên bang chắc chắn đảm bảo điều đó".
Chính tuyên bố điềm tĩnh và trấn an này đã giúp tránh được cuộc khủng hoảng tiền tệ trong nước, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ tự tin trước bất kỳ nghịch cảnh nào của chính quyền Berlin.
Tinh thần và bản lĩnh Đức còn thể hiện một cách tuyệt vời trong sáng kiến "Kurzarbeit", là chương trình bảo vệ việc làm ngắn hạn của Đức, giúp ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt.
Theo đó, người lao động sẽ ở nhà hoặc bị cắt giảm đáng kể giờ làm việc, tuy nhiên họ vẫn là nhân viên chính thức và nhận 2/3 tiền lương từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, công ty vừa giữ được nhân viên, vừa không chịu gánh nặng quá lớn về chi phí lao động trong thời kỳ kinh tế căng thẳng.
"Kurzarbeit" đã phát huy tác dụng hơn cả sự mong đợi. Khi đó, sản lượng kinh tế của Đức đang sụt giảm 5% với 1,1 triệu lao động bị ảnh hưởng, Berlin mất khoảng 10 tỉ euro (10,9 tỉ USD).
Nhưng đến cuối năm 2009, trong khi các nước châu Âu khác vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp tràn lan, thì tỉ lệ thất nghiệp ở Đức đã về con số 7,6%, thấp hơn so với trước khủng hoảng.
Sau đó không lâu, vào năm 2012, chính Đức đã "gánh team" đổ rất nhiều tiền để cứu Chính phủ Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, ngoài ra Đức còn hỗ trợ nhiều nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu như Ý, Tây Ban Nha thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất.
Và mới đây, trong đợt khủng hoảng kinh tế vì COVID-19, năm 2020, gần nửa triệu công ty Đức đã áp dụng thành công "Kurzarbeit" và nước Đức đã nhanh chóng thoát khỏi suy thoái.
Một điểm son nữa của tinh thần và bản lĩnh Đức chính là kiểu mẫu công ty gia đình: "Mittelstand". Các công ty vừa và nhỏ dạng này tạo ra tới 60% công ăn việc làm cho dân Đức. Khi xảy ra suy thoái, các ông chủ công ty gia đình sẽ không quá chú trọng đến lợi nhuận của quý tiếp theo, mà họ chú trọng vào sự ổn định.
Kết quả là những doanh nghiệp này có được lợi thế cạnh tranh. Họ sản xuất ra các sản phẩm được phát triển tốt và có chất lượng cao mà thị trường các nền kinh tế mới nổi không thể bắt chước được.
Vì thế, trong giai đoạn suy thoái thì sự thận trọng, duy trì sự ổn định về sản xuất và nhân công chính là yếu tố then chốt giúp cho họ nhanh chóng đạt được mục tiêu vượt qua khủng hoảng.
Thật ra, kinh tế Đức hiện nay đang mới ở tình trạng suy thoái kỹ thuật, nghĩa là mọi thứ còn nằm trong vòng kiểm soát.
Chính phủ Đức, từ những kinh nghiệm trong quá khứ, chắc chắn sẽ có những biện pháp ngăn chặn và tung ra các gói cứu trợ dành cho các công ty và người dân, thông qua việc cắt giảm thuế và các khoản trợ cấp, như cách mà họ đã làm khi nhanh chóng giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng cách đây vài tháng, cũng như nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trước đó.
Dựa vào lịch sử, có thể tin bản lĩnh và tinh thần Đức lại một lần nữa chứng minh rằng họ luôn xứng đáng với vị trí đầu tàu các nền kinh tế ở châu Âu và đứng thứ tư thế giới.
Nguồn: Tuoitre.vn