Nên và không nên làm khi sống, học tập và làm việc Đức
Mục lục bài viết
Làm chui
“Làm chui” là khi bạn nhận những công việc không có giấy phép lao động tại Đức, điều này là vi phạm luật thuế và luật bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp đi làm chui và bị phát hiện, cả người lao động và chủ lao động sẽ phải chịu phạt theo quy định của pháp luật như phạt tiền, thậm chí là phạt tù.
Trốn thuế
Hệ thống thuế ở Đức thực tế rất phức tạp, nếu cá nhân hay doanh nghiệp bị phát hiện trốn thuế sẽ bị xử lý rất nặng. Đóng thuế là nghĩa vụ của công dân, kể cả những người nước ngoài lao động tại Đức cũng đều phải đóng thuế. Tại CHLB Đức, mỗi cá nhân hay doanh nghiệp muốn dùng tiền vào việc đầu tư, trao đổi, giao dịch thương mại như mua nhà, mua xe… đều cần phải chứng minh được nguồn gốc của khoản tiền đó.
Bạo lực với trẻ nhỏ
Tại CHLB Đức, những hành động bạo lực với trẻ em đều bị lên án gay gắt. Ngay cả việc bố mẹ phạt đòn roi con cái đều là những hình thức dạy dỗ không được chấp nhận. Điều này được nêu rõ trong luật pháp của Đức: “Trẻ em có quyền nhận sự dạy dỗ không bạo lực. Các hình thức phạt đòn roi, tổn thương tâm lý và các biện pháp xỉ nhục là không được phép”. Nếu bị phát hiện hay bị tố cáo các hành động bạo lực với trẻ em, bạn sẽ phải chịu mức xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.
“Tiếp cận” với trẻ lạ
Tại Đức, nếu không được phép của bố mẹ những đứa trẻ thì bạn không được phép hôn hay vuốt ve những đứa trẻ đáng yêu, kể cả là việc bạn chụp ảnh hay cho kẹo chúng.
Gây ồn ào
Ở Đức, việc giữ trật tự, không làm ảnh hưởng đến người khác không phải là việc bạn muốn hay không mà đó là bắt buộc. Từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng là khoảng thời gian bạn phải giữ trật tự. Nếu gia đình bạn có việc như tổ chức sinh nhật, party, bạn cần phải thông báo và xin phép hàng xóm của mình trước. Điều này một phần làm nên tính kỷ luật cao của người Đức. Vì vậy, sẽ không lấy làm lạ khi vào những ngày nghỉ mà bạn vẫn cảm nhận được sự yên bình đến lạ. Thực chất 1 phần vì đó là thói quen trong sinh hoạt, 1 phần là vì họ đang thực hiện việc giữ trật tự theo quy định.
Tự ý cho động vật ăn
Tại Đức, không phải tất cả động vật đều là hoang dã, và việc nuôi chúng được quy định bởi luật bảo vệ động vật. Kể cả việc cho vật nuôi của hàng xóm ăn mà không hỏi trước cũng không được phép. Ví dụ, nếu thú cưng của nhà hàng xóm rất “quý mến” bạn, sau đó nó thường xuyên hoặc không về nhà và đi theo bạn thì điều này có thể bị xem là một sự xâm phạm quyền sở hữu cá nhân và có thể bị kiện dân sự. Ở một số công viên, vườn thú sẽ ghi chú những động vật nào bạn được phép cho ăn và những động vật nào không được phép động chạm. Hãy chú ý những biển chỉ dẫn để tránh trường hợp vi phạm không đáng có.
Đi muộn
Đúng hẹn và luôn đúng giờ là phép lịch sự rất được người Đức chú trọng. Đối với học sinh và sinh viên đi muộn là một trong những lỗi bị đánh giá rất nặng. Là sinh viên đại học, nếu bạn bị giáo viên phát hiện ra thường xuyên đi muộn hoặc nghỉ quá số buổi cho phép thì rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với “bản án” bị đình chỉ học. Trong những cuộc hẹn vì một vài lý do khách quan hay chủ quan mà đôi khi khó tránh việc đi muộn, người hẹn cần phải thông báo lại giờ giấc để thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Nói chung, ở Đức, đối với việc đến quá muộn thì “1 lần cũng không được phép, 2 lần là quá nhiều”.
Chúc mừng sinh nhật sớm
Bạn đừng bao giờ chúc mừng sinh nhật người Đức trước ngày sinh thật sự của họ nếu không muốn nhận những ánh nhìn giận dữ hoặc thậm chí là cơn thịnh nộ từ họ. Người Đức quan niệm chúc mừng sinh nhật sớm là một điềm không may. Người Đức thường mời bạn bè đến nhà của mình ăn uống vào buổi tối ngay trước ngày sinh nhật. Chỉ khi đồng hồ điểm đúng 12 giờ đêm, nhân vật chính mới chính thức nhận những lời chúc mừng từ bạn bè của mình.
Tìm được của rơi hãy treo chúng lên cây
Trong trường hợp bạn vô tình đánh rơi đôi găng tay của mình ở trạm tàu hỏa thì hãy đến ngay các gốc cây tìm vì người nhặt được găng tay của bạn sẽ treo chúng ở đó. Các vật dụng thất lạc được treo trên cây là một điều khá phổ biến trên hầu hết các đoạn đường hoặc các ga tàu điện tại Đức. Đặc biệt là người dân nước này sẽ không đến lấy bất cứ món đồ nào không thuộc về mình. Do đó, nếu bạn có nhặt được của rơi thì hãy treo chúng lên cây để giúp chủ nhân của nó tìm lại được tài sản nhé.
Tuân thủ văn hóa xưng hô của người dân Đức
- Nếu với người lạ, không phải bạn bè mình thì bạn nên chọn ngôi Sie để xưng hô.
- Giữa các sinh viên cùng trường thì có thể dùng ngôi Du với nhau.
- Bạn không thể dùng ngôi Sie với tên của người cùng đối thoại, tương tự như vậy, bạn cũng không nên dùng ngôi Du với họ của người đấy.
Tự trả tiền
Ở Đức, trong một cuộc hẹn, bạn sẽ tự chi trả phần đồ ăn, thức uống của mình. Bạn cũng có thể mời đối phương, nhưng với phái nữ, điều này rất dễ gây hiểu lầm.
Nên mang tiền mặt theo người
Một điều rất thú vị và bất ngờ đó chính là người dân Đức rất chuộng việc thanh toán tất cả bằng tiền mặt. Đừng bao giờ ra đường mà không mang theo tiền mặt vì rất hiếm quán ăn nào ở Đức chấp nhận việc thanh toán bằng thẻ tín dụng. Cũng vì vấn đề này mà tại Đức, bạn có thể tìm được cây ATM ở bất cứ đâu trên đường.
Lời nhắn nhủ dành cho các bạn là hãy tìm hiểu thật kỹ về văn hóa ứng xử của người Đức khi sống, học tập và làm việc tại đây, để không phải vô tình gây mất thiện cảm ngay lần gặp đầu tiên nhé!