Sáu điểm mới trong quan hệ Việt Nam-Australia
Mục lục bài viết
Trưa 7/3 (giờ địa phương), tại thủ đô Canberra, ngay sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã họp báo, thông báo nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên mức cao nhất - quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Australia phát biểu: Năm 2023, Australia và Việt Nam đã kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. "5 thập kỷ đó đã chứng kiến Australia và Việt Nam xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài, tình hữu nghị dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, mối quan hệ gia đình và cộng đồng cũng như tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương cởi mở, ổn định và thịnh vượng. Việc nâng cấp mối quan hệ của chúng ta lên Đối tác Chiến lược toàn diện hôm nay sẽ đưa Australia và Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của nhau".
Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ vui mừng khi mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia có thêm một số trụ cột về hợp tác chống biến đổi khí hậu, môi trường và hợp tác về năng lượng, khi cả Australia và Việt Nam đều có cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, hai bên quan tâm thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư để thúc đẩy thịnh vượng về kinh tế giữa hai nước. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Australia năm 2022 đã đạt 25,7 tỷ đô la Australia, tăng 75% so với năm 2020.
Hai bên đã trao đổi, nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; lao động, việc làm; đồng thời thảo luận về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để bảo vệ và thúc đẩy an ninh ổn định trong khu vực, trong đó nhất trí một thỏa thuận đối tác về gìn giữ hòa bình; đồng thời nâng tầm đối thoại về an ninh giữa Việt Nam và Australia lên cấp bộ trưởng.
Thủ tướng Australia vui mừng thông báo rằng các thỏa thuận đã được thống nhất nhằm tạo điều kiện cho 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia, các công nhân dự kiến sẽ bắt đầu đến trong năm nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, khuôn khổ quan hệ mới này sẽ góp phần tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng khái quát, bổ sung thành "6 điểm hơn" như sau:
- Thứ nhất, tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn.
- Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn.
- Thứ ba, thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.
- Thứ tư, hợp tác văn hoá, giáo dục đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn.
- Thứ năm, giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở, chân thành hơn.
- Thứ sáu, hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về an ninh-quốc phòng, hướng tới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; thúc đẩy đối thoại hòa bình, xây dựng lòng tin giữa các nước; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong; đồng thời mong muốn những nơi có xung đột trên thế giới sớm được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, tăng cường viện trợ nhân đạo, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương của Liên Hợp Quốc, hướng đến bảo vệ người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: Báo Chính phủ