Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tại Đức đang ở mức báo động
Mục lục bài viết
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Ðức, gần 50% các công ty tại Đức đang thiếu nhân công, thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh do không có đủ lao động. Và sử dụng lao động nước ngoài là một trong những giải pháp hữu hiệu mà quốc gia này đang áp dụng.
Thiếu hụt nhân lực tại Đức được ví như bức tranh ảm đạm khi các nhà tuyển dụng ở Đức đang thiếu hàng trăm nghìn công nhân lành nghề mỗi năm, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin (IT) và công nghệ, chăm sóc y tế, xây dựng, logistic. Theo đó, hơn 70% công ty trong ngành công nghiệp ô tô và ngành cơ khí - những ngành được coi là động lực chính của thị trường xuất khẩu khổng lồ của Đức thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Tương tự đối với ngành điều dưỡng ở Đức cũng đang gặp phải tình trạng thiếu điều dưỡng trầm trọng. Dự kiến đến năm 2035, nước này có thể thiếu khoảng 500.000 nhân viên điều dưỡng. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc được cho là sẽ gia tăng bởi tuổi thọ trung bình tại Đức đang tăng cao. Hậu quả của tình trạng thiếu hụt nhân nhân lực kéo dài là khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này chậm lại.
Đức hy vọng thu hút ít nhất 60.000 lao động mỗi năm, trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng đang đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Còn theo Cơ quan Việc làm Liên bang Đức, để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động làm tê liệt các ngành kinh tế thì nước Đức cần 400.000 người nhập cư mới mỗi năm.
Thiếu hụt nhân lực đang đặt áp lực lên nền kinh tế Đức nhưng chính điều này lại mở ra cơ hội học tập, làm việc và định cư tại Đức cho các bạn trẻ Việt Nam.
Việc kinh tế phát triển tỉ lệ nghịch với dân số khiến cho nguồn lao động tại Đức luôn trong tình trạng thiếu hụt. Chính vì thế, Chính phủ Đức luôn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút lao động hoặc người nước ngoài tới sinh sống, định cư tại Đức.
Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng lớn người sinh sống và làm việc tại Đức. Hiện có khoảng hơn 170.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức.
Từ thực trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, nhiều quốc gia châu Âu đang tìm cách thu hút lao động đến từ Việt Nam. Trong gần 52.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 1.000 lao động đã đến một số nước châu Âu. Trong đó, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức là nước được nhiều lao động Việt Nam lựa chọn.
Nước Đức đang đề ra mục tiêu mỗi năm tuyển mới 400.000 lao động nước ngoài mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Đối với những lĩnh vực cần lao động trình độ cao, các doanh nghiệp ở Đức có nhu cầu tuyển dụng lên tới 360.000 nhân lực. Để duy trì hoạt động, nhiều chủ doanh nghiệp tại Đức ban hành cơ chế mở trong công tác tuyển dụng. Các công việc phổ thông được ưu tiên tuyển nhanh, không cần kinh nghiệm, trình độ tiếng Đức cũng được yêu cầu ở mức tối thiểu. Du học sinh là đối tượng được các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tại Đức săn đón để tận dụng số giờ được phép làm thêm trong quá trình học.
Đây chính là cơ hội dành cho người lao động có tay nghề của Việt Nam với thị trường lao động chất lượng cao tại Đức trong thời gian tới. Trong đó, các nhóm ngành nghề nước Đức đang rất cần là: điều dưỡng, trợ lý cứu thương, nữ hộ sinh, bác sĩ, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, đầu bếp, chế biến thực phẩm, kỹ thuật công nghệ ôtô, xây dựng, kỹ thuật điện. Những thông tin này được ông Matthias chia sẻ trong buổi lễ ký kết với một doanh nghiệp cung ứng lao động tại Việt Nam gần đây.
Hiện tại, Chính phủ Đức đang tìm giải pháp khắc phục, trong đó có cải cách chính sách nhập cư. Ngày 19/1, Quốc hội Đức đã thông qua dự luật cải cách mang tính bước ngoặt, theo đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quy chế hai quốc tịch cũng như việc nhập tịch đối với các công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU). Với những cái cách mới, những người nhập cư hợp pháp ở Đức sẽ được phép nộp đơn xin quốc tịch sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay. Nếu người nộp đơn xin quốc tịch có những thành tựu đặc biệt, thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 3 năm.
Đặc biệt, Đức áp dụng mô hình đào tạo "Đưa doanh nghiệp vào giảng đường". Trong đó, 70% thời lượng thực hành, tập sự hưởng lương, đảm bảo 100% cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tại các doanh nghiệp. Điều này mở ra cánh cửa tương lai cho các lao động trẻ Việt Nam trên hành trình xây dựng sự nghiệp và phát triển cuộc sống.
Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam